Phấn đấu năm 2020 cơ bản hoàn thành dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu DTLS Lăng miếu Triệu Tường
Đăng ngày 4/11/2018
Sáng 4/4, đồng chí Trịnh Văn Chiến - Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã nghe và cho ý kiến về tình hình triển khai Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử Lăng miếu Triệu Tường (Hà Long, Hà Trung).
Tham dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Đình Xứng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Phát - Ủy viên BTV, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Phạm Đăng Quyền - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở VH, TT&DL và các sở, ban, ngành liên quan; lãnh đạo huyện Hà Trung.
Đồng chí Trịnh Văn Chiến - Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnhchủ trì hội nghị.
Lăng miếu Triệu Tường được xếp hạng là di tích khảo cổ học quốc gia năm 2007. Ngày 1/2/2010 Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử. Tổng diện tích quy hoạch 41,5ha thuộc địa giới hành chính xã Hà Long, gồm 4 nhóm dự án: nhóm dự án số 1 bảo tồn, tôn tạo miếu Triệu Tường; nhóm dự án số 2 bảo tồn, tôn tạo lăng Trường Nguyên; nhóm dự án số 3 bảo tồn, tôn tạo di tích khác gồm đình Gia Miêu, nhà thờ họ Nguyễn Hữu và đền Ông; nhóm dự án số 4 công trình phát huy giá trị di tích. Theo báo cáo của Sở VH,TT&DL trình bày tại hội nghị, hiện nay một phần nhóm dự án số 1 và nhóm dự án số 3 đã được thực hiện. Đối với nhóm dự án số 1, giai đoạn 1 đã thực hiện được 0,22ha/16,36 ha, hoàn thành Nguyên Miếu, Trừng Quốc Công Miếu, sân và đường đi từ đường 217B vào Nguyên Miếu và Trừng Quốc Công Miếu. Đối với nhóm dự án số 3,
công trình đền Gia Miêu đang được tiến hành tôn tạo. Giai đoạn 2 của dự án sẽ tiếp tục nghiên cứu, khai quật khảo cổ bổ sung; bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử Lăng miếu Triệu Tường; thu hồi đất, đền bù, GPMB và dự án tái định cư cho các hộ dân thuộc quy hoạch; cải dịch đoạn tuyến Quốc lộ 217B qua khu di tích. Tổng mức đầu tư dự kiến 428,498 triệu đồng. Để tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của dự án, hiện nay Sở VH,TT&DL đã mời đơn vị chuyên ngành khảo cổ nghiên cứu. Quy mô nghiên cứu, khai quật dự kiến 2.800m2, trong thời gian dự kiến kéo dài 2 năm (2018-2019). Về công tác GPMB phục vụ giai đoạn 2 của dự án, UBND tỉnh đã có văn bản giao UBND huyện Hà Trung căn cứ quy hoạch và mốc giới quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt để lập trình duyệt dự án thu hồi, đền bù GPMB với tổng diện tích khoảng 25,2ha và dự án tái định cư cho các hộ dân thuộc quy hoạch; giao Sở GTVT lập dự án cải dịch đoạn quốc lộ 217B hiện đang cắt ngang qua khu di tích.
Phối cảnh khu DTLD Lăng miếu Triệu Tường được đơn vị tư vấn đưa ra tại hội nghị.
Sau khi nghe đơn vị tư vấn trình bày quy hoạch, đại biểu tham dự hội nghị đã đưa ra quan điểm của các ngành trong việc tu bổ, tôn tạo di tích lăng miếu Triệu Tường. Một số ý kiến cho rằng cần nghiên cứu thêm về vấn đề giao thông, bổ sung các đường nội bộ và chú trọng lối kiến trúc triều Nguyễn trong việc tôn tạo các công trình. Theo đồng chí Nguyễn Đình Xứng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phạm vi của quy hoạch quá rộng, không cần thiết đồng thời gây khó khăn trong công tác GPMB; công tác khảo cổ cũng không nên kéo dài trong 2 năm mà cần rút gọn lại đồng thời Sở VH,TT&DL trên cơ sở quy hoạch cần có kế hoạch tiến độ chi tiết cho từng công việc cụ thể để đẩy nhanh tiến độ dự án. Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến nhấn mạnh: Khu DTLS Lăng miếu Triệu Tường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là nơi phát tích của triều Nguyễn - một triều đại lớn, có nhiều công trạng đối với đất nước. Việc nâng cấp, trùng tu khu di tích vừa là nguyện vọng của nhân dân vừa là trách nhiệm của chính quyền các cấp đối với các bậc tiền nhân. Đồng ý với các ý kiến đưa ta tại buổi làm việc về vấn đề quy hoạch chưa đáp ứng được yêu cầu, đồng chí Trịnh Văn Chiến đề nghị ngành văn hóa từ nay đến 30/6/2018 cần khẩn trương rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch theo Luật Di sản. Trong quy hoạch lưu ý một số điểm lớn gồm: tập trung quy hoạch khu thành cổ, cơ bản là giữ theo nguyên trạng; sau đó tính toán về giao thông và các di tích phụ cận sao cho hợp lý, khoa học, đảm bảo du khách đến thăm viếng thuận lợi nhất; thiết kế đặt sân lễ hội ở phía ngoài thành để sau này phục vụ tổ chức đại lễ chính của Gia Miêu Triệu Tường. Ngoài ra, lưu ý vấn đề giao thông đối ngoại và kết nối giao thông đối ngoại với khu thành cổ, hình thức tham quan du lịch sẽ triển khai cả 2 hình thức hiện đại và cổ xưa trong đó có phục dựng một số phương tiện đi lại theo lối xưa ví dụ như xe ngựa...Ngoài ra đồng chí đưa những ý kiến cụ thể về đường 217B, về công tác khảo cổ, về bồi thường GPMB. Riêng đối với hạng mục Nhà thờ họ Nguyễn Hữu, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo xác định sớm vị trí của nhà thờ để tiến hành đầu tư mà không cần chờ quy hoạch tổng thể. Các dự án đã trùng tu, cải tạo ngành văn hóa cần tiếp tục kiểm tra, giám sát, chỉnh sửa theo đúng phong cách kiến trúc thời Nguyễn. Về tổng mức đầu tư dự án, trên cơ sở quy hoạch và các dự án thành phần đã phê duyệt đề nghị các ngành làm rõ nguồn vốn và cơ chế tài chính. Vốn NSNN phục vụ công tác GPMB, khảo cổ, xây dựng nhà thờ họ Nguyễn Hữu, hệ thống đường giao thông. Các hạng mục khác thực hiện theo nguyên tắc nhà nước và nhân dân cùng tham gia đóng góp. Mục tiêu từ nay đến 2020 cơ bản hoàn thành dự án này, đặc biệt là khu thành cổ. Đồng chí Trịnh Văn Chiến - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu, chỉ đạo dự án đảm bảo theo các quy định hiện hành, lựa chọn nhà thầu có năng lực chuyên môn, am hiểu về văn hóa đặc biệt là phong cách kiến trúc các thời kỳ lịch sử của dân tộc. Các cấp, các ngành và địa phương khẩn trương triển khai thực hiện các công việc liên quan đến dự án đảm bảo tiến độ và chất lượng theo yêu cầu đã đề ra.
Nguyên Mai