1. Khái quát chung

Thanh Hóa nằm ở vị trí nối liền Bắc Bộ với Bắc Trung Bộ và Nam Bộ, một vị trí rất thuận lợi để phát triển các ngành kinh tế.

Diện tích: 11.106,09 km2.

Phía Bắc giáp với 3 tỉnh: Sơn La, Hòa Bình và Ninh Bình, phía Nam giáp tỉnh Nghệ An, phía Tây giáp tỉnh Hủa Phăn (nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào); phía Đông là Vịnh Bắc Bộ.

Dân số: 3.400.239 người (năm 2009).

Dân tộc: Là tỉnh có nhiều dân tộc sinh sống nhưng chủ yến có 7 dân tộc là: Kinh, Mường, Thái, Thổ, Dao, Mông, Khơ Mú.

2. Tài nguyên văn hóa

Được biết đến là tỉnh có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời – 1 trong những địa điểm sinh sống đầu tiên của người Việt Cổ với địa hình đa dạng và dân số đông.

Thanh Hóa không chỉ nổi tiếng với những dấu ấn chiến tích lịch sử đã ghi vào những trang sử hào hùng, vẻ vang của dân tộc. Mà nơi đây còn được nhắc tới là Tỉnh có nguồn tài nguyên văn hóa vô cùng phong phú. Với 1535 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó, 134 di tích được xếp hạng Quốc gia, 412 di tích được xếp hạng cấp tỉnh.

Đặc biệt có Thành Nhà Hồ được coi là tòa Thánh đá duy nhất còn lại ở Đông Nam Á và là một trong rất ít còn lại trên Thế giới. Năm 2011, tại kỳ họp lần thứ 35 của Ủy ban Di sản Thế giới, UNESCO đã công nhận Thành Nhà Hồ là Di sản văn hóa thế giới.

2.1. Di sản văn hóa vật thể:

Loại hình di sản này chủ yếu được tồn tại dưới dạng di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; di vật; cổ vật; bảo vật quốc gia.

Nhóm di tích thời tiền sử - sơ sử:

Thời đại đồ đá cũ cách ngày nay chừng 25.000 đến 30.000 năm, bao gồm một số di tích tiêu biểu như Núi Đọ (Thiệu Hoá), núi Nuông, núi Quan Yên (Yên Định) và các di tích hang Làng Tráng, Mái Đá Điều (Bá Thước), hang Con Moong (Thạch Thành) là những di tích quan trọng về hậu kỳ thời đại đá cũ; đặc biệt trong đó có di chỉ hang Con Moong ngoài tầng Văn hoá Sơn Vi (hậu kỳ đá cũ), còn có các tầng văn hoá chứa đựng các di vật của nền Văn hoá Hoà Bình và Văn hoá Bắc Sơn (thuộc sơ kỳ Thời đại đá mới).

Thuộc sơ kỳ Thời đại đá mới, chúng ta có đến 17 địa điểm thuộc Văn hoá Hoà Bình được phát hiện, khai quật ở miền núi Thanh Hoá từ những năm đầu của thế kỷ XX và 14 địa điểm khác có niên đại cùng thời được phát hiện khai quật từ sau năm 1954. Niên đại của các địa điểm này cách ngày nay chừng 1 vạn năm. Văn hoá nổi tiếng - Văn hoá Đa Bút với 4 di chỉ tiêu biểu được phát hiện, khai quật là Di chỉ Đa Bút (Vĩnh Tân), làng Còng (Vĩnh Hưng) thuộc huyện Vĩnh Lộc; Di tích Cồn Cổ Ngựa (Hà Lĩnh) thuộc huyện Hà Trung và Di tích Gò Trũng (Phú Lộc) thuộc huyện Hậu Lộc. Cho đến nay, di sản khảo cổ học Thời đại đồ đá có 54 địa điểm, trong đó có 19 di tích thuộc Thời đại đá cũ và 35 địa điểm thuộc Thời đại đồ đá mới.

Đến thời đại kim khí, các nhà khảo cổ học đã chia giai đoạn phát triển này thành 2 thời kỳ: giai đoạn Tiền Đông Sơn (từ buổi đồ đồng xuất hiện) đến giai đoạn thuộc Văn hoá Đông Sơn (sơ kỳ đồ sắt). Cùng với các bước của thời kỳ phát triển này của Quốc gia Văn Lang đó là các văn hoá Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun thì Thanh Hoá có 4 giai đoạn phát triển tương ứng đó là Cồn Chân Tiên - Đông Khối, Quỳ Chữ và Đông Sơn. Với 26 địa điểm khảo cổ học thuộc giai đoạn Tiền Đông Sơn và 85 di tích thuộc Văn hoá Đông Sơn cho biết cư dân Thanh Hoá đã đóng góp một phần quan trọng không thể thiếu trong bức tranh chung về quá trình hình thành dân tộc ở buổi đầu trong lịch sử Tổ quốc.

                                                              Trống đồng Đông Sơn.

Nhóm di tích khảo cổ học lịch sử:

Hệ thống di sản khảo cổ học lịch sử chúng ta chỉ mới phát hiện được một số di tích thuộc loại hình này như Quần thể Mộ cổ người Hán ở phường Quang Trung (Bỉm Sơn), Di tích núi Trịnh (xã Thiệu Hợp - Thiệu Hoá), Văn hoá Lạch Trường (Hoằng Hoá - Hậu Lộc), Thành Tư Phố (Thiệu Dương - thành phố Thanh Hóa), Thành Đông Phố (Đông Hoà - Đông Sơn), Trấn Thành Thanh Hoá thời Lê (Thiệu Dương - thành phố Thanh Hoá), Hành cung Vạn Lại - Yên Trường (Thọ Lập, Xuân Châu - Thọ Xuân). Một số di tích khảo cổ học phong kiến như Khu Di tích Lam Kinh (Thọ Xuân), Đàn Tế Nam Giao và một số điểm trong Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc), Chùa Linh Xứng (Hà Ngọc - Hà Trung), Lăng miếu Triệu Tường (Hà Long - Hà Trung). Một số lăng mộ như Lăng mộ Vua Lê Dụ Tông (Xuân Quang - Thọ Xuân), Mộ Quận công Nguyễn Đình Hoán (Vạn Hà - Thiệu Hoá). Các dấu vết thành luỹ như Thành luỹ Khu căn cứ chống Pháp Ba Đình (Nga Sơn), Thành Bãi Bò (Hà Tiến - Hà Trung), Căn cứ núi Văn Trinh của Trần Nhật Duật(thời Trần), Khu căn cứ Trịnh Vạn của Cầm Bá Thước...   

Nhóm di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật:

Theo thống kê sơ bộ, hiện nay trên địa bàn Thanh Hoá có các loại hình thờ cúng mà chúng ta thường gặp trên thực địa bao gồm: đình, chùa, đền, am, điện, văn miếu, võ miếu, văn chỉ, võ chỉ, đàn, nghè, miếu, tỉnh, quán, cây ban (cây hương), sinh từ, cung, lăng, tẩm, phủ, nhà thờ họ, nhà thờ (công giáo), đài liệt sĩ, v.v...Các loại hình di tích này vừa có giá trị về lịch sử văn hóa, vừa có giá trị về kiến trúc nghệ thuật chiếm một số lượng đáng kể với hàng nghìn di tích. Ngoài ra, còn có gần 100 nhà thờ thuộc đạo Kitô và một phức hệ di tích liên quan đến một nhóm cư dân Chăm Pa (đã Việt hóa).

Nhóm di tích danh lam thắng cảnh:

Đó là hệ thống các làng, bản cổ của người Việt, người Mường, người Thái nằm dọc đôi bờ của sông Mã, sông Chu. Có thể kể những ngôi làng nổi tiếng như thế như Kẻ Nưa (Triệu Sơn), Kẻ Sập, Làng Cham (Thọ Xuân), làng Gia Miêu (Hà Trung), Kẻ Rủn (Đông Sơn), làng Sóc Sơn (Vĩnh Lộc), làng Đông Sơn (thành phố Thanh Hoá) ở vùng đồng bằng; Làng Du Xuyên (Tĩnh Gia); Ngọc Liên (Nga Sơn), Kẻ Nham (Quảng Xương), Làng Núi (thị xã Sầm Sơn), làng Trương Xá (Hậu Lộc) ở vùng ven biển; Làng Năng Cát (Lang Chánh), làng Muốt (Cẩm Thủy) ở miền núi, v.v...

Các khu bảo tồn thiên nhiên đặc sắc như Vườn Quốc gia Phù Luông (Bá Thước), Bến En (Như Thanh), Rừng Sến Tâm Quy (Hà Trung), Son Bá Mười (Bá Thước) cùng những khu rừng ngập mặn ở Hải Lộc (Hậu Lộc), Lạch Bạng (Tĩnh Gia)… 

Về hệ thống danh sơn được ghi trong sử cũ như: núi Thiết Giáp, núi Vạn Sơn, núi Song Ngưu, núi Chích Trợ, núi Vân Nham, núi Triệu Tường, núi Ngưỡng Sơn, núi Kim Âu, núi Thần Đầu, núi Kim Sơn, núi Xuân Đài, núi Tiến sĩ, núi Nưa, núi Lam Sơn, Chủ Sơn, Linh Sơn, núi Đồng Cổ, núi Quan Yên, núi Linh Trường, núi Kỳ Lân, núi Hàm Rồng, núi Long Cương, Bàn A sơn thập cảnh,...

Thanh Hóa cũng là nơi có những dòng sông như Mã Giang, Lương Giang (sông Chu), Tống Giang, Nga Giang, Ngu Giang, Trường Giang, Châu Giang, Thọ Giang, Mã Bà Giang, Đạt Giang...được phân bố chi chít trên địa bàn cùng với hệ thống đầm Lạch như Thác Kim Sơn (Vĩnh Lộc), Cửa Hới, Trà Khê, Cửa Trường (Hoằng Hoá), Nga Cảng (Nga Sơn), Xước Cảng (Tĩnh Gia) là những địa danh tạo nên những vùng văn hoá đặc trưng, góp phần làm nên diện mạo của hệ thống di tích – danh thắng thêm phần phong phú.

Thanh Hoá cũng có những bãi cát trắng trải dài dọc bờ biển, bên cạnh những vụng, vịnh nông ven bờ nổi tiếng như Sầm Sơn (thị xã Sầm Sơn), Hải Tiến (Hoằng Hóa), Hải Hoà (Tĩnh Gia) là yếu tố để hình thành nên những cộng đồng cư dân ven biển, với những cụm làng xã làm nghề cá nổi tiếng như Diêm Phố (Hậu Lộc), Du Xuyên (Tĩnh Gia)...

Nhóm di vật,  cổ vật, bảo vật quốc gia:

Thuộc loại hình di sản này, chúng ta đã có một số lượng hàng trăm văn bia được phát hiện nghiên cứu có niên đại ở thời kỳ Lý - Trần, thời Lê sơ, thời Hậu Lê và thời Nguyễn; trong đó có những tấm bia được Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia như Bia Vĩnh Lăng, Bia Ngô Thị Ngọc Giao (Khu Di tích lịch sử Lam Kinh); đặc biệt hơn, Thanh Hóa cũng có một tấm bia được xem là cổ nhất Việt Nam có niên đại Đại Nghiệp thứ 14 năm 618 (thời nhà Đường) dựng ở làng Trường Xuân (nay thuộc xã Đông Ninh, huyện Đông Sơn). Các di vật khác như trống đồng, chuông đồng, khánh đồng, khánh đá; hoành phi, đại tự, biển gỗ, câu đối, thư tịch Hán Nôm của người Kinh, thư tịch Hán Nôm của các dân tộc ít người (Dao, Mường, Thổ...), sắc phong, lệnh chỉ; các loại di vật gốm sứ thời Lý, thời Trần, thời Lê, thời Nguyễn...là một nguồn di sản vật thể vô cùng phong phú, đa dạng và đồ sộ, đã phán ánh bức tranh nhiều sắc màu và giàu sức sống của văn hóa Việt Nam.

                                                           Thắng cảnh đèo Ba Dội.

2.2. Di sản văn hóa phi vật thể

Căn cứ Nghị định số 98/2010/ND-CP của Chính phủ và Công ước 2003 của UNESCO, phân chia hệ thống di sản phi vật thể dưới các hình thức như sau:

Tiếng nói, chữ viết:

Thanh Hóa là vùng đất có 7 tộc người sinh sống gồm người Kinh (Việt), Mường, Thái, Dao, H’Mông, Khơ Mú, Thổ. Mỗi tộc người có một tiếng nói riêng (phương ngữ); hàng trăm làng xã có hàng trăm thổ âm khác nhau, thậm chí trong một xã có 3 làng thì cả ba làng đều có giọng nói khác nhau. Việc tìm hiểu nguyên nhân tạo ra các vùng thổ âm khác nhau là một vấn đề khó khăn và phức tạp. Tuy vậy, trên địa bàn Thanh Hóa cũng hình thành những vùng phương ngữ khác nhau của các tộc người; đặc biệt ở người Kinh có những vùng phương ngữ rất đặc biệt, nó vẫn được tôn trọng và tự bản thân nó có sức sống lâu bền, trường tồn. Phương ngữ không chỉ là tiếng mẹ đẻ để giao tiếp với nhau trong gia đình, trong cộng đồng, mà nó còn là phương tiện để bảo lưu truyền bá văn học dân gian. Nó còn là “một công cụ vô cùng đắc lực cho mọi khoa học khảo cứu đến lịch sử, trong đó có dân tộc học, lịch sử văn hóa cũng như lịch sử dân tộc”. Thanh Hóa có những vùng phương ngữ đặc biệt như tiếng nói của người làng Thanh Đớn (Hà Thanh - Hà Trung), tiếng làng Kênh Thủy (Vĩnh Thịnh - Vĩnh Lộc) và các vùng phương ngữ khác. Về chữ viết: Thanh Hóa có một di sản chữ Thái cổ của cộng đồng cư dân Thái ở vùng phía Tây Thanh Hóa được tồn tại dưới dạng các bản trường ca (Trường ca Ú Thêm, Trường Ca Khăm Panh), các loại sách ghi chép về y học dân gian, v.v...

Ngữ văn dân gian:

Là một loại hình di sản truyền khẩu tồn tại ở tất cả 7 tộc người, nó bao gồm rất nhiều thể loại như ca dao, tục ngữ, câu đố, truyện cổ tích, hát ru, truyền thuyết, sử thi, thơ, bùa ngải, cầu cúng, bài tụng, hát, kịch,...Ở loại hình di sản này, Thanh Hóa đã có những thành tựu nhất định trong việc nghiên cứu sưu tầm vốn tục ngữ của người Dao, Thái, Mường, Việt, câu đố người Việt; Ca dao - Đồng dao (Ca dao sưu tầm ở Thanh Hóa do nhóm Lam Sơn, Nxb Văn học 1963). Dân ca dân tộc Dao (Xa vắng em, Những khúc tình ca, Canh khuya tìm bạn); Dân ca người Thái (Hát xin mưa, Lời thương ý tứ gửi trao, Khặp Táy Mươi Thường Xuân, Lời nhắn lời chằng dứt, Khặp thả...); Dân ca Mường (Xường Thiết Ống, Xường Nài, Qua cầu cây si xoắn vặn, Dậy xường (Dần cung xường), Bộ Mẹng, Dân ca tiết lễ, Mo cúng...); Dân ca người Việt (Hò sông Mã, hát ghẹo, hát ru, hát nghi lễ). Truyện thơ - vè [Khăm Panh (Thái), Nàng Nga Hai Mối (Mường), Đẻ đất, đẻ nước (Mường); Nhật trình đường bộ, Nhật trình đường biển, vè Đánh bạc, vè Nước khô rồi nước lại hồi (Việt)]...Truyện kể các dân tộc ít người (Tại sao người đàn bà Khơ mú mặc áo trắng, Bốn anh tài, Người trong cung trăng, Nàng tóc thơm...); Truyện kể người Việt (Ông Công đá, sự tích thần Độc Cước, truyền thuyết Bà Triệu, Bà nữ tướng trang An Nội, truyền thuyết Lê Lợi, truyện Trạng Quỳnh, truyện Xiển Bột...), v.v...Các truyền thống và loại hình truyền khẩu này nhằm truyền dạy kiến thức, các giá trị văn hóa xã hội và các ký ức của cộng đồng, nó đóng một vai trò quan trọng của sức sống văn hóa.

Nghệ thuật trình diễn dân gian:

Nghệ thuật trình diễn dân gian (hay là nghệ thuật diễn xướng) bao gồm nhạc không lời, hát, múa, kịch, kịch câm, ngâm thơ và các loại hình khác. Ở loại hình nghệ thuật trình diễn này, Thanh Hóa còn bảo tồn được một số trò diễn đặc sắc đến ngày nay như Trò Chiềng (Yên Ninh, Yên Định), Sến vật làng Bọc (làng Vực Phác - xã Định Liên, Yên Định); Trò Xuân Phả (Xuân Trường - Thọ Xuân), Trò Chụt (làng Thiết Đanh - xã Định Tường, Yên Định), Trống hội làng Phú Khê (Hoằng Phú - Hoằng Hóa), v.v...Âm nhạc truyền thống, trò diễn dân gian là những loại hình then chốt thúc đẩy văn hóa để thu hút du lịch.

Các tập quán xã hội, tín ngưỡng và các lễ hội:

Các tập quán xã hội, tín ngưỡng và lễ hội là các hoạt động thường xuyên được một cộng đồng hay một nhóm người thực hiện tạo nên cơ cấu cuộc sống hàng ngày của họ. Nó thường diễn ra hoặc có thể đánh dấu thời điểm chuyển mùa, sự kiện trong nông lịch hay các giai đoạn trong cuộc đời một con người. Các tập quán này gắn bó mật thiết với cách nhìn nhận về thế giới hay về lịch sử và ký ức của một cộng đồng. Tục thờ cúng tổ tiên và việc thực hành các nghi lễ ở người Mường; nghi lễ nông nghiệp truyền thống (thờ cây lúa) ở người Mường; Lễ cấp sắc ở người Dao; Lễ mừng năm mới, lễ hội vào mùa xuân và kết thúc một vụ thu hoạch là những lễ hội phổ biến ở tất cả 7 tộc người trên địa bàn Tỉnh. Riêng về lễ hội dân gian truyền thống, Thanh Hóa có đến hàng mấy trăm lễ hội, lễ tục khác nhau, nó được diễn ra với nhiều hình thức muôn màu muôn vẻ, nó là dịp để thu hút mọi người quay lại quê hương để tham gia cùng với gia đình và cộng đồng của họ và để tái khẳng định bản sắc và mối quan hệ gắn bó với các truyền thống của cộng đồng mình. Một số lễ tục, lễ hội truyền thống tiêu biểu như: Lễ tục Pồn Poông (dân tộc Mường), Lễ tục làng Thiết Đanh (dân tộc Kinh), Lễ tục Kin Chiêng boóc mạy (dân tộc Thái), Lễ tục Đền Ối, Lễ hội Đền Độc Cước, Lễ hội làng Duy Tinh, Lễ hội làng Cự Nham, Lễ hội làng Vạc, Lễ hội làng Xuân Phả, Lễ hội đền Bà Triệu, Lễ hội Lam Kinh, Lễ hội Đền Bưng, Lễ hội Cầu Ngư làng Diêm Phố, Lễ hội đền Đồng Cổ, Lễ hội làng Hoàng Bột (dân tộc Kinh), v.v...

Tri thức và các tập tục liên quan đến tự nhiên và vũ trụ:

Hình thức này bao gồm nhiều tiểu hình thức như tri thức truyền thống về hệ sinh thái, tri thức bản địa (tri thức địa phương), tri thức về hệ động thực vật, các hệ thống chữa bệnh truyền thống, nghi lễ, tín ngưỡng, lễ trưởng thành, cấp sắc, tri thức về vũ trụ, các lễ nhập hồn, các tổ chức xã hội, lễ hội, ngôn ngữ và các hình thức nghệ thuật hình ảnh. Ở người Mường người Thái họ có tri thức bản địa vô cùng phong phú trong việc bảo vệ tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên rừng; người Kinh có tri thức trong nhật trình đi biển; kinh nghiệm bảo vệ môi trường sinh thái, v.v...

Nghề thủ công truyền thống:

Hình thức của thủ công truyền thống như dụng cụ; quần áo trang sức; trang phục và các phục trang sử dụng trong lễ hội và nghệ thuật diễn xướng; các vật đựng đồ đạc hàng hóa; các đồ vật sử dụng để giữ đồ, vận chuyển hay che chắn; nghệ thuật trang trí và các hiện vật thiêng; dụng cụ âm nhạc và các vật dụng gia đình; đồ chơi phục vụ giáo dục và giải trí; tranh dân gian, chạm khắc đá, đồng dân gian...Những hình thức này của thủ công truyền thống tồn tại sâu đậm trong đời sống sinh hoạt của 7 tộc người trên địa bàn tỉnh. Gần 40 nghề thủ công truyền thống bước đầu đã được nghiên cứu, sưu tầm, trong đó có một số nghề tiêu biểu đặc sắc của các tộc người như nghề làm giấy của người Dao, nghề dệt vải lanh của người H’Mông; nghề dệt truyền thống của người Thái, nghề đan lát của các dân tộc ở miền núi, nghề đục đá làng Nhồi (thành phố Thanh Hóa), nghề đúc đồng ở Kẻ Chè (Thiệu Trung)... 

Với một tiềm năng to lớn về hệ thống di sản văn hóa và di sản thiên nhiên như vậy, chắc chắn, đấy sẽ là một nguồn lực quan trọng không thể thiếu đối với sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Thanh Hóa trên đường hội nhập và phát triển đất nước.

Tài khoản

Video clip

Liên kết

Hoạt động văn hóa nổi bật